Trăn trở của các nàng dâu khi ăn Tết với mẹ chồng "khó ưa"

(lamchame.vn) - Ấm ức là thế, nhưng mỗi dịp lễ Tết, cả nhà phải bồng bế nhau về nội vừa ở vừa đi làm cả nửa tháng trời để chiều lòng chồng, nên chị rất khổ tâm.

Nhiều nàng dâu khổ sở vì ngày thường mâu thuẫn với mẹ chồng nhưng Tết tây, Tết ta vẫn phải về bên nội các con đón Tết để chiều lòng chồng

Ghét đến mấy Tết vẫn về ở chung

Dọn ra ở riêng đã 2 năm nhưng chị Mến – một nhân viên văn phòng quận 3, TP HCM – trong những dịp lễ lớn như 30-4, Tết dương lịch, Tết nguyên đán phải khăn gói về quận Nhà Bè để ăn Tết cùng nhà chồng. Câu chuyện chị dọn ra riêng cũng đầy nước mắt. Ban đầu, khi mới cưới, nghe lời ba mẹ chồng, chị sống chung để được gia đình hỗ trợ kinh tế và chuyện bầu bì, sinh nở. Tuy nhiên, sau thời gian ở chung nhà, chị phát hiện bà mẹ chồng không những không hỗ trợ, mà còn là gánh nặng của cặp vợ chồng trẻ.

Nhiều chị em khổ tâm khi ăn Tết Tây, Tết ta cùng nhà chồng

Không những thế, vàng cho ngày cưới được 4 chỉ mẹ chồng cũng tìm cách đòi lại với lý do đưa cho mẹ đi sửa vì vòng kiềng méo. Khóc lóc, stress liên tục do mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu khiến chị sinh non, cuối cùng hai vợ chồng phải tìm cách thoát khỏi ngôi nhà ám ảnh để ra thuê trọ ở riêng. Ấm ức là thế, nhưng mỗi dịp lễ Tết, cả nhà phải bồng bế nhau về nội vừa ở vừa đi làm cả nửa tháng trời để chiều lòng chồng, nên chị rất khổ tâm.

Trong khi đó, nhiều chị em cho biết ngày thường không chung đụng nên đến dịp Tết về nhà chồng, họ bị sốc với cách cư xử của mẹ chồng. Dân gian có câu “xa thơm gần thối”, nên chuyện hai người phụ nữ không ruột thịt ở bên nhau, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, không sớm thì muộn.

Chị Trâm (Củ Chi, TP HCM) kể mỗi lần lễ, Tết cả nhà lại về Đồng Nai quê ông bà nội các con ở cả tuần. Những dịp như vậy, tâm lý chị rất căng thẳng, như tra tấn tinh thần bởi mẹ chồng đặt ra 1001 câu hỏi. Từ những câu nhẹ nhàng như: “Tính khi nào sinh thêm cháu”, đến những câu sỗ sàng như: “Thu nhập nay bao nhiêu rồi”, “Chồng làm ra tiền vất vả mà sao xài sang thế?”, “Cái gì cũng kêu chồng làm vậy ở nhà con làm những gì?”…

Tránh mâu thuẫn bùng bổ bằng cách nào?

Dẫu biết mâu thuẫn giữa quan hệ mẹ chồng – nàng dâu sẽ không bao giờ được giải quyết dứt điểm nhưng vẫn có những cách xử lý để mọi chuyện êm đẹp trong những ngày Lễ, Tết.

Đầu tiên, chị em cần nhìn nhận lối cư xử bản thân xem có điểm nào được, chưa được, làm mách lòng mẹ chồng điểm nào. Nếu quá khó khăn, hãy nhờ bạn bè, người thân, thậm chí một người chồng tốt vào cuộc phân tích. Từ đó, hãy hạn chế thể hiện những bản tính gây mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu khi ở bên nhà nội ăn Tết.

 

Tiếp đó, chị em cần xác định thời gian chuyến đi chơi Tết dương lịch hay Tết nguyên đán của mình đến nhà ba mẹ chồng sẽ kéo dài bao lâu. Những chuyến đi ngắn thường dễ kiểm soát, quản lý hơn. Nếu bất đắc dĩ phải đi quá lâu, hãy dành vài ngày giữa chuyến để vợ chồng, con cái bạn xả stress ở khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch gần đó nhằm tránh đối mặt, chồng chất mâu thuẫn nhỏ thành lớn.

Ngoài ra, nhiều chị em thường kỳ vọng lớn nên bị thất vọng, hụt hẫng. Họ nghĩ rằng biết đâu Tết nay đã khác Tết xưa, nhưng điều này không thực tế vì bản chất con người khó đổi dời. Thay vì hy vọng người khác thay đổi, bản thân chị em hãy chủ động trong mọi chuyện ứng xử.

Do không kỳ vọng, nên chị em cũng tự đặt giới hạn cho mình, hãy bỏ qua những lời nói, hành vi công kích của mẹ chồng có thể làm bùng nổ mâu thuẫn. Mình ở vài ngày chứ có ở cả đời đâu chị em!

Thậm chí, chị em có thể dặn trước các ông chồng, nếu bản thân quá lời thì anh nên nhắc nhở bằng ký hiệu nào đó, để tránh những cuộc tranh cãi không đáng có làm ảnh hưởng tâm trạng bản thân.

Bên cạnh đó, ăn Tết tây, Tết ta ở nhà chồng nhưng chị em cũng đừng quên hội bạn thân của mình. Cứ giữ liên lạc với họ, nhắn tin trút nỗi buồn bực, thậm chí mời bạn đến nhà chồng chơi Tết vì mọi người sẽ cư xử tích cực hơn khi có khách.

 

 

 

 

 

 

 

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang