Chị H. (29 tuổi, Lâm Đồng) tâm sự trên một trang mạng xã hôi rằng chị đã trải qua một cơn “thập tử nhất sinh” do bị sảy thai, nguy hiểm đến tính mạng người mẹ. Nguyên nhân sâu xa chính là do chị H. thể lực vốn yếu nhưng vẫn cố gồng mình “3 năm 2 đứa” như nhiều bạn bè xúi giục. Chị viết: “Em nghe các chị đồng nghiệp xúi nhau đẻ “liên tù tì” 2 đứa để sau này đỡ cực. Thời gian đầu có thể vất vả, nhưng những năm sau thì khỏe hẳn, có thể tập trung “giữ dáng” và dành thời gian cho sự nghiệp được. Em nghe vậy cũng thấy có lý, liền áp dụng ngay. Bé đầu chưa bỏ bú thì em đã có bé thứ hai, nhưng đến tháng thứ 4 thì cơ thể em suy nhược quá, không giữ nổi cái thai. Ngày sảy thai, vào bệnh viện bác sĩ mắng em quá trời vì thể lực yếu, lại nhỏ con vậy mà đẻ dày để nguy hiểm đến tính mạng, con cũng không giữ được”
Không chỉ riêng chị H., mà hiện nay, rất nhiều bà mẹ trẻ đang có xu hướng đẻ con sát nhau để rút ngắn giai đoạn “bỉm sửa”. Thêm vào đó, độ tuổi kết hôn thực tế của phụ nữ đang ngày càng trễ hơn, nên một khi có gia đình, các chị em sẽ tập trung sinh em bé liên tục cho “kịp tuổi” để đảm bảo chất lượng trứng.
Theo các nhà khoa học tại Đại học Harvard, việc đẻ “dày” rất nguy hiểm, cho cả thai nhi lẫn tính mạng người mẹ |
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học tại Đại học Harvard, việc đẻ “dày” như vậy là rất nguy hiểm, cho cả thai nhi lẫn tính mạng người mẹ. Các chuyên gia cho biết đây là một phát hiện đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ lớn tuổi và những bà mẹ hiện đại. Đây là những nhóm bà mẹ có xu hướng cố gắng sinh em bé trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể để hoàn thành nhiệm vụ “duy trì nòi giống” trước khi khả năng sinh sản của họ bị giảm sút. Hoặc đây cũng chính là lựa chọn rất phổ biến gần đây của các bà mẹ hiện đại, muốn hoàn thành xong nghĩa vụ gia đình sớm để sau này có thể tập trung thời gian cho công việc và bản thân hơn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 148.500 ca mang thai tại Canada trong một thập kỷ gần đây, và đã tìm thấy khoảng cách giữa hai lần sinh nở dưới 12 tháng là nguy hiểm nhất - làm tăng nguy cơ tử vong mẹ, đẻ non, chết lưu và sinh con nhẹ cân. Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Laura Schummers công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rủi ro gia tăng đối với cả mẹ và trẻ sơ sinh khi khoảng cách giữa hai lần mang thai gần nhau, bao gồm cả phụ nữ trên 35 tuổi lẫn những phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy các rủi ro sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi của người mẹ mang thai. Đối với những người trên 35 tuổi, khoảng cách ngắn giữa các lần mang thai đặc biệt nguy hiểm cho chính người mẹ. Đối với phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi, việc sinh con “dày” không ảnh hưởng đáng kể đến tính mạng, nhưng lại làm tăng nguy cơ sinh non. Đối với nhóm các bà mẹ trên 35 tuổi và thụ thai cách lần sinh trước chỉ 6 tháng, các nhà nghiên cứu phát hiện có đến 1,2% nguy cơ tử vong mẹ hoặc tổn thương nghiêm trọng. Nhưng nếu họ chỉ cần giãn khoảng cách giữa hai lần mang thai lên 18 tháng thôi, thì nguy cơ tử vong đã giảm hơn một nửa, xuống còn 0,5%. Các nhà khoa học Harvard cũng nhận thấy, khoảng cách từ 12 đến 18 tháng giữa các lần mang thai được chứng minh là an toàn nhất cho cả mẹ lẫn con.
Đối với phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi và thụ thai cách lần sinh trước chỉ 6 tháng sẽ dẫn đến 8,5% nguy cơ sinh non - sinh con trước 37 tuần. Tỷ lệ này cũng sẽ giảm xuống chỉ còn 3,7% nếu người mẹ có thai lại sau hơn 18 tháng.
Tiến sĩ Wendy Norman, thuộc Đại học British Columbia, cho biết những phát hiện này cung cấp "bằng chứng tuyệt vời" để giúp phụ nữ xác định được khoảng cách sinh con lý tưởng nhất. Cô nói: “Việc canh thời gian hợp lý để có em bé tiếp theo rõ ràng sẽ giảm rủi ro biến chứng cho các bà mẹ và thai nhi”. Các nhà khoa học tin rằng khoảng cách ngắn giữa các lần mang thai sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể không đủ thời gian cần thiết để phục hồi. Giáo sư nghiên cứu Sonia Hernandez-Diaz, đến từ Đại học Harvard nói thêm: “Cho dù chúng ta có bỏ qua các biến chứng trong khi mang thai nói trên, thì việc sinh em bé liên tục trong khoảng thời gian ngắn còn đặt ra rất nhiều khó khăn và hạn chế chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe tiền sinh sản và chăm sóc sức khỏe hậu sinh sản. Vì vậy rất cần thiết để các bà mẹ nên có những biện pháp tránh thai an toàn trong thời gian chờ cơ thể phục hồi, và thực sự sẵn sàng cho đứa bé tiếp theo”