Những lớp học “ảo”, người thầy “ảo”
Thuật ngữ thầy “ảo” chỉ mới được phổ biến trong vài năm gần đây thôi, khi mà công nghệ thông tin được phủ sóng rộng rãi. Ngày xưa, người thầy truyền thống sẽ ngày ngày đứng bục giảng, truyền đạt kiến thức trực tiếp đến học viên, quan sát và quản lí học viên một cách rất trực quan. Ngày nay, người thầy “ảo” sẽ không phải mất thời gian để tụ tập thầy và trò đến một địa điểm địa lý nhất định nữa, mà chỉ cần qua một cú click chuột, thầy trò có khi cách xa nhau hàng trăm cây số có thể tụ họp lại để bắt đầu một lớp học “ảo”.
Lớp học “ảo” tức là lớp học qua mạng internet, nơi mà thầy và trò sẽ giao tiếp và truyền đạt kiến thức qua các công cụ, phần mềm trực tuyến. Tùy theo nhu cầu mà thầy và trò sẽ chọn cách giao tiếp qua giọng nói, chữ viết hay hình ảnh. Ngày nay, các lớp học trực tuyến ngày càng phổ biến rộng rãi. Ban đầu các lớp học trực tuyến thường phát triển ở mảng ngoại ngữ, nhưng hiện nay có rất nhiều ngành nghề cũng đã chọn phương thức trực tuyến làm phương thức giảng dạy mới.
Lớp học "ảo" nhưng chất lượng đào tạo và tình thầy trò hoàn toàn thật |
Lớp học “ảo” nhưng chất lượng thật
Không phải vô căn cứ khi có nhiều người vẫn hoài nghi về chất lượng của các lớp học trực tuyến này. Lớp học trực tuyến thiếu sự tiếp xúc và đánh giá trực quan giữa thầy và trò. Nhưng mặt khác, nó cũng mang lại rất nhiều lợi ích vượt trội so với một lớp học truyền thống như: tiết kiệm thời gian, tiền bạc và khuyến khích sự phản biện ở học viên.
Đầu tiên, về tiết kiệm thời gian, đây chắc hẳn là điều hiển nhiên khi mà cả thầy lẫn trò trên các khóa học online đều không phải mất thời gian cho việc đi lại. Về mặt tiền bạc, các khóa học online thường sẽ có chi phí thấp hơn các lớp học truyền thống do cắt giảm được chi phí mặt bằng, chi phí cơ sở hạ tầng, phụ cấp đi lại của giáo viên. Hơn nữa, chi phí xây dựng và bảo trì một phần mềm trực tuyến cũng có giá rẻ hơn rất nhiều.
Rất nhiều học viên chia sẻ, các khóa học trực tuyến thực sự giúp họ tự tin hơn trong việc phản biện với giáo viên. Nhiều người thừa nhận, các lớp học truyền thống thường làm họ có cảm giác “sợ hãi, rụt rè, sợ sai” mỗi khi đứng lên phát biểu. Nhưng trong các lớp học “ảo” này, mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi phát biểu và đặt câu hỏi cho giáo viên.
Chị Hương (25 tuổi, TP.HCM), hiện đang theo học một chứng chỉ đào tạo từ xa qua mạng, chia sẻ: “Lúc học ở Đại học mình rất ít khi phát biểu hoặc đặt câu hỏi cho giáo viên vì tâm lý sợ sai, “giấu dốt”, và sợ các bạn khác đánh giá. Nhưng khi tham gia khóa học online này, mình tự tin phát biểu và bày tỏ ý kiến hơn hẳn”.
Chất lượng một khóa học online sẽ đảm bảo tương đương với chất lượng một lớp học truyền thống nếu như bạn chọn được thầy cô giỏi và ý thức học tốt. Việc cách trở địa lý sẽ không hề làm giảm chất lượng đào tạo của lớp học online. Hiện nay, đã có nhiều trường Đại học nổi tiếng trên thế giới lẫn Việt Nam có hệ Đại học từ xa qua mạng. Các học viên sau khi hoàn thành các khóa học này đều được cấp bằng có giá trị sử dụng và được công nhận rộng rãi. Chương trình học, các bài tập về nhà, bài kiểm tra của các hệ đào tạo này đều có chất lượng đảm bảo. Hiện nay, hầu hết các Đại học lớn tại Việt Nam đều đã đưa chương trình Đào tạo từ xa qua mạng vào thực thi như : Đại học Ngoại thương, Đại Học CNTT, Đại học Mở,…
Lớp học “ảo” nhưng tình thầy trò là thật
Điều khác biệt lớn nhất giữa tình thầy trò “ảo” so với tình thầy trò truyền thống có lẽ là học viên và thầy giáo sẽ không được nhìn thấy nhau phiên bản “bằng xương bằng thịt” thôi. Còn lại, tất cả mọi thứ, từ giọng nói, kiến thức, các truyền đạt, và tình cảm sẽ vẫn giữ nguyên.
Chị Hương chia sẻ thêm về một kỷ niệm với người thầy “ảo” của mình: “Thật ra mọi thứ thật lắm chứ không “ảo” đâu. Thời đại này, nhìn qua webcam cũng rất rõ nét, nghe qua micro cũng rất rõ giọng rồi. Nhìn những người thầy cô qua mạng mà vẫn có thể cảm nhận được nhiệt huyết của các thấy cô ấy. Một thầy dạy chuyên đề Tài chính của mình hay có câu đùa mà mình nhớ mãi. Thầy ấy hay đùa thay vì nói anh/ chị nào chưa hiểu thì giơ tay như lớp học ở ngoài, thầy sẽ nói anh chị nào chưa hiểu thì quăng bom (một icon trên công cụ chat) cho tôi biết nhé, khiến cả lớp cười rồ lên. Thầy cô trực tiếp vẫn kiểm bài và chấm bài cho tụi mình rất kỹ, rất tường tận, chứ không vì “ảo” mà qua loa chút nào đâu. Thậm chí, thông qua mạng mà tụi mình còn tranh thủ hỏi thêm các thầy cô rất nhiều về kiến thức cũng như tâm sự cuộc sống, những điều mà khi đến lớp tụi mình chưa chắc dám hỏi”.
Những người thầy “ảo” ấy cũng sẽ dành từng ấy thời gian, từng ấy tâm huyết để giảng dạy cho học viên của mình. Thậm chí trên mạng “ảo”, các học viên sẽ thoải mái phản biện và đặt câu hỏi hơn, khiến các thầy cô “ảo” đau đầu không kém. Có nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các lớp học trực tuyến, khiến học viên mất niềm tin vào các lớp học online. Tuy nhiên, xin được đính chính rằng, học online hay học offline thì xác suất bị “bỏ bom” vẫn như nhau. Cái chính là bạn phải chọn được thầy cô uy tín để “chọn mặt gửi vàng”, nên chọn những trung tâm uy tín, những trường Đại học tên tuổi có bằng được Bộ Giáo dục công nhận.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.