|
Nhiều phụ huynh cho biết những ngày đầu đến trường, về nhà bố mẹ hỏi con còn hăng hái kể chuyện. Tuy nhiên sau một thời gian, việc khai thác những câu chuyện từ con khó dần, khi tìm hiểu mới biết đó cũng là một trong những chiêu trò hù dọa từ các cô giáo để các con không về méc phụ huynh.
Nhiều người có con từng bị bạo hành hoặc từng tiếp xúc với môi trường giáo dục mầm non kể rằng các cô giáo có những “chiêu trò” truyền tai nhau từ hù dọa tinh thần đến uy hiếp thể chất để bắt trẻ nghe lời.
Véo sưng cả nách
Chị Trần Thảo My có con gái hiện đang học lớp 1 nhớ lại hồi con mới 24 tháng tuổi, chị bắt đầu cho đi nhà trẻ. Sau một tuần thử nghiệm, bé về khóc dữ dội ôm chặt chân ba mẹ mỗi buổi sáng đi học. Khi gặng hỏi, con mới nói “hay bị cô véo ở nách đau lắm”. Hai vợ chồng vạch nách áo con kiểm tra thì thấy phần thịt chỗ này bầm xanh, sưng to nhưng do vội vàng tắm rửa không ai chú ý.
“Do đó, các mẹ cho con đi học mầm non nhớ kiểm tra kỹ tất cả bộ phận cơ thể con, từ chỗ dễ thấy đến chỗ kín nhất để sớm phát hiện con bị bạo hành”, chị Thảo My nói.
Cho bông hoa ở bàn chân
Chị Hoàng Yến – đang làm nhân viên tại một công ty du học, cho biết trước khi làm công việc này, chị đã có 6 tháng học việc ở trường mầm non tại Củ Chi. Chị kể tại đây, chị được các cô đi trước dạy khi đánh bé, nên đánh vào lòng bàn chân để phụ huynh không biết. “Mỗi lần đánh nhớ nói với con là cô tặng con bông hoa nè, để khi bố mẹ hỏi con có bị đánh không bé sẽ trả lời không, chỉ nói cô tặng hoa cho con”, chị Yến rùng mình nhớ lại.Băng keo dán miệng
Trong một lần học nghiệp vụ, chị Yến cho biết các giáo viên mầm non còn truyền tai nhau chiêu dán băng keo vào miệng để trẻ khỏi khóc lóc tốn công dỗ. “Chuyện dán băng keo vào miệng là chiêu phổ biến nhất, được áp dụng hằng ngày ở các trường tư”, chị Yến tiết lộ.
Biệt giam
Đối với những bé trai nghịch dai, phá phách, các cô giáo còn có chiêu nhốt cháo vào phòng tối để bé sợ hãi không hoạt động. Một phụ huynh ở quận 3, TP HCM kể kể từ khi con đi học, tối nào bé cũng giật mình khóc toáng lên mỗi khi mẹ tắt điện và rất sợ ở trong bóng tối một mình dù trước đó không hề có chuyện này. “Gặng hỏi thì con nói từng bị cô giáo nhốt vào toilet tối một mình, có bạn bị cô nhốt vào nhà kho. Từ đó trở đi, con hay lầm lì, sợ hãi bám mẹ, cáu gắt, nổi nóng”, chị kể.
|
Ông Rầm rầm
Chị Thương – nhân viên công ty mỹ phẩm ở quận 5, TP HCM – kể chị gửi con cho một bà lão ở chung cư, xưa là giáo viên mầm non. 2 tháng đầu con rất ngoan nhưng tháng thứ ba con bắt đầu có những biểu hiện sợ hãi mỗi khi nghe tiếng động, trời mưa đến mức khóc, sợ những thế lực vô hình, thỉnh thoảng lại tự lấy tay đánh vào mặt, chân tay mình nói: “Mày hư, mày hư”. Sau thời gian dỗ dành con nói, chị mới biết mỗi khi không ngoan, bà tạo tiếng động và nói có ông bà “Rầm rầm” đang tới, nên trẻ bị ám ảnh tiếng động.
Theo sohuutritue.net.vn